Vùng đất có tên Phan Thiết mở ra cùng với thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận. Từ năm 1825, thời Minh Mạng, khi Bình Thuận chính thức trở thành tỉnh thì Phan Thiết đã được mọi người từ Nam ra Bắc biết đến như là chốn thị tứ quen thuộc, sầm uất ở cuối miền Trung.
Năm 1898 (năm Thành Thái thứ muời), tỉnh lỵ Bình Thuận được dời về Phan Thiết và xác lập Phan Thiết thành thị xã, tỉnh lỵ của Bình Thuận (cùng ngày thành lập các thị xã Huế, Hội An, Quy Nhơn, Thanh Hoá, Vinh).
Cũng từ năm 1898, khi người Pháp thực hiện chủ trương phát triển Phan Thiết thành đô thị lớn ở miền Trung thì hàng trăm công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng được người Pháp và người dân địa phương xây dựng tại Phan Thiết.
Trãi qua hơn trăm năm tồn tại, đến nay hầu như những công trình kiến trúc cổ xưa tại Phan Thiết không còn. Giờ chỉ còn lại vài công trình thuộc sở hữu của người dân trong bộ ảnh dưới đây, nhưng hầu như những công trình này đang xuống cấp hoặc bỏ hoang mà không được trùng tu hay bảo tồn vì nhiều lý do.
Lê Huân
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Tòa nhà trên đường Trưng Trắc có tuổi đời hơn 100 năm. Xưa là hãng nước mắm Hoàng Hương của ông bà Cửu Sanh. Hoàng Hương là một trong những hãng nước mắm lớn ở Phan Thiết. Nước mắm của hãng Hoàng Hương xưa nổi tiếng khắp miền Đông Nam Bộ do có vị mặn và độ đạm cao, đựng trong tỉn sành, càng chôn lâu dưới đất ăn càng thơm ngon nên được nhiều người ưa thích. Hiện ngôi nhà này không có người sinh sống và được làm nhà phát cơm chay từ thiện vào ngày rằm, mùng 1 hằng tháng.
Ảnh 2: Ngôi nhà số 471 Trần Hưng Đạo được chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng năm 1933 và được sử dụng làm tòa án của tỉnh Bình Thuận từ đó đến cách vài năm gần đây thì đóng cửa không sử dụng nữa.
Ảnh 3: Ngôi nhà của ông Cẩm Xìn, một thương gia người Hoa nổi tiếng ở Phan Thiết được xây dựng năm 1942. Do không được trùng tu nên hiện đã xuống cấp.
Ảnh 4, 5: Ngôi biệt thự cổ ở số 34 Ngư Ông, được xây dựng năm 1920. Đây là ngôi nhà mà nhạc sĩ Minh Quốc, tác giả bài hát nổi tiếng “ Tình đồng chí” sinh ra và lớn lên thời niên thiếu. Người tạo lập ngôi nhà này là ông bà Trương Văn Tới một trí thức giàu có ở Phan Thiết giữa thế kỷ XX. Hiện ngôi nhà này không có người sinh sống.
Ảnh 6: Ngôi biệt thự số 6 Nguyễn Công Trứ. Đây là nhà của một hàm hộ nước mắm Phan Thiết xưa. Ngôi biệt thự này được xây dựng khoảng năm 1933.
Ảnh 7, 8: Ngôi biệt thự ở số 34 Phan Bội Châu, được xây dựng năm 1931.
Ảnh 9: Ngôi nhà số 4 Lý Thường Kiệt, do ông Lương Văn Thơ, một thương nhân người Hoa chuyên bán thuốc xắt xây dựng năm 1895.
Ảnh 10: Căn nhà xưa còn xót lại của dãy phố lầu trên đường Trưng Trắc do ông Trần Gia Hòa ( Bát Xì ) một hàm hộ nước mắm và kinh doanh bất động sản tại Phan Thiết xây dựng năm 1933.
Ảnh 11, 12: Ngôi biệt thự hiện đang đóng cửa không có người sinh sống trên đường Trưng Nhị. Ngôi biệt thự này do bà Tư Tề, một người kinh doanh thịt heo nổi tiếng của Phan Thiết xưa xây dựng năm 1933.
Ảnh 13: Căn biệt thự của ông Phan Bá Thiên ( Thất Ngàn ) một thương gia giàu có ở Phan Thiết xây dựng năm 1928. Đây là ngôi biệt thự xưa cổ đẹp nhất Phan Thiết còn tồn tại đến ngày nay. Hiện gia đình đang sơn sửa, dặm vá lại do đã xuống cấp. Ông Thất Ngàn cũng là chủ nhân của rạp hát Hồng Lợi nổi tiếng tại Phan Thiết.
Ảnh 14,15: Căn biệt thự 118 Trưng Trắc. Đây là nhà của một hàm hộ nước mắm Phan Thiết.
Ảnh 16: Căn biệt thự số 326 Trần Hưng Đạo, do ông bà Lê Văn Chớ ( Phụ Chớ ) chủ hãng nước mắm Tân Thắng xây dựng năm 1928. Căn nhà này mặc dù được gia chủ cố gắng trùng tu nhưng kết cấu ngôi nhà hiện cũng đã hư hỏng.
Ảnh 17: Ngôi biệt thự của người Pháp trên đường Võ Thị Sáu được xây dựng năm 1917. Sau 1975 là bệnh viện đông y Bình Thuận.
Ảnh 18: Căn biệt thự cổ ở số 38 Nguyễn Văn Trỗi, được xây dựng năm 1923. Căn nhà này mặc dù đã được sơn phết lại nhưng hiện đang đóng cửa không có người sinh sống và cũng đã xuống cấp theo thời gian.
EmoticonEmoticon