Gia tộc bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Phan Thiết Xưa Phần 1

Unknown 10:00:00 PM
GIA TỘC BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH VÀ PHAN THIẾT XƯA.

Ai cũng biết, Phạm Ngọc Thạch, vị bác sĩ tài hoa đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp y tế của đất nước. Nhưng cũng ít ai biết được rằng, chính ông và gia tộc Phạm Ngọc từng có mặt ở Phan Thiết từ những năm đầu của thế kỷ XX, và nhiều thành viên của gia tộc này đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của đô thị Phan Thiết trong suốt chiều dài của thế kỷ XX.


Bài 1: PHẠM NGỌC THẠCH Ở PHAN THIẾT.

Giáo học Phạm Ngọc Thọ và Nguyễn Tất Thành.


Theo những tư liệu lịch sử còn để lại, ngày 01-7-1909, triều đình Huế bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Sắc ( còn gọi là Nguyễn Sinh Huy ) làm tri huyện Bình Khê. Trước khi lên đường nhậm chức, ông Nguyễn Sinh Huy đã gởi Nguyễn Tất Thành ( sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh ) cho người bạn thân của mình là giáo học Phạm Ngọc Thọ, một giáo viên ở trường Pháp Việt ở Quy Nhơn để nuôi nấng và dạy dỗ kiến thức ( 1). Khi ấy vợ chồng thầy giáo Thọ cũng vừa sinh hạ người con trai đặt tên là Phạm Ngọc Thạch được hơn một tháng. Thương con bạn như con trai mình, giáo học Phạm Ngọc Thọ đã “một thầy, một trò” chuyển giao những kiến thức, trước hết là trong các sách giáo khoa, khá toàn diện, đầy đủ cho Nguyễn Tất Thành với trình độ lớp nhất. Học sinh lớp nhất thời Pháp thuộc có thể nói tiếng Pháp trong sinh hoạt thông thường, có thể viết một bài luận tiếng Pháp vài trăm từ, ít lỗi ngữ pháp và hiểu biết nước mẹ đại Pháp trên nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, địa lý.

Nguyễn Tất Thành đã sống như một thành viên của gia đình ông giáo Thọ khi ấy tá túc trong khu tập thể của Trường Pháp Việt ( nay là nhà trẻ Bông Sen tại số 227 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn ). Trong nhà ông giáo Thọ có một tủ sách gia đình hấp dẫn Nguyễn Tất Thành và những tờ báo mà ông giáo Thọ vẫn đặt mua, như tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo”, Phan Yên báo, nhất là tờ “Chuông rạn” bằng tiếng Pháp mà các sách báo Việt thường gọi là “Tiếng chuông rè” đã tiếp sức thêm cho Nguyễn Tất Thành tri thức về tình hình xã hội Việt Nam, nước Pháp và thế giới. Qua báo chí, Nguyễn Tất Thành được biết chính phủ Nhật đã thỏa thuận ngầm với Pháp không cho sinh viên Việt Nam cư trú và học tập ở Nhật nữa. Và Phan Bội Châu – người khởi xướng, thực hành phong trào Đông Du đã phải rời Nhật Bản đi cư trú chính trị ở Tàu, ở Xiêm. Như vậy con đường “Đông Du” đã bị bịt lối. Dù chưa có những tư liệu chính thức công bố, nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu rằng, ngoài việc dạy chữ, dạy người thì chính bản thân thầy giáo Thọ là người có ảnh hưởng, ít nhiều giúp Nguyễn Tất Thành vạch ra con đường ra đi tìm đường cứu nước.

Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi có được, tháng 8 năm 1910, giáo học Phạm Ngọc Thọ được lệnh thuyên chuyển vào trường Pháp Việt tại Phan Thiết. Khi đó Nguyễn Tất Thành đã cùng gia đình thầy Thọ vào Phan Thiết ( 2). Do sự gởi gấm của ông Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu vào dạy ở trường Dục Thanh và sau đó Nguyễn Tất Thành đã vào Sài Gòn để lên tàu thủy sang Pháp.



Phạm Ngọc Thạch ở Phan Thiết.

Từ khi biến Việt Nam thành thuộc địa của mình, với chính sách ngu dân để dể cai trị, hàng chục năm đầu chính quyền thuộc địa Pháp chỉ thiết lập vài trường để làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông, là các trường trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879), trường Quốc Học Huế (1896), trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908). Ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn. Từ năm 1910 trở đi thì hệ thống giáo dục mới bắt đầu hình thành có tính cách hệ thống và hoàn chỉnh dần.


Tại Phan Thiết, mặc dù được công nhận là thị xã từ năm 1898, nhưng sáu năm sau, năm 1904, chính quyền thuộc địa Pháp mới cho thành lập Trường sơ học Pháp Việt tọa lạc trên đường Saigon, vị trí này sau năm 1948 là trường Nam tiểu học và nay là Trường Tiểu học Đức Thắng 1. Ban đầu trường chỉ là trường sơ học giảng dạy ba lớp: gồm lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) và lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire). Đến năm 1924, trường mới có thêm 3 lớp: lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année), lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) và lớp Nhất (Cours Supérieur) để hoàn chỉnh sáu năm của bậc tiểu học.
Mùa thu năm 1910, từ biệt đồng nghiệp và người thân tại Quy Nhơn, gia đình giáo học Phạm Ngọc Thọ vào đến Phan Thiết. Mặc dù xuất thân là dòng dõi quý tộc ( cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh ) nhưng bà Công Tôn Nữ Thị Cẩn Tín vẫn thủy chung theo chồng, một ông giáo nghèo yêu nghề đi khắp nơi dạy học theo sự điều động của chính quyền thuộc địa. Ẳm trên tay đứa con trai mới hơn 1 tuổi, tay dắt 2 đứa lớn hơn nhưng chỉ mới bi bô cùng chồng vào nhận nhiệm sở, ai cũng thương cho hoàn cảnh của gia đình ông giáo. Vợ chồng ông giáo Thọ được cấp một căn hộ nhỏ trong khu tập thể phía sau trường. Hằng ngày thầy Thọ lên lớp dạy cho học sinh xứ biển những ngữ âm đầu tiên của ngôn ngữ nước mẹ Đại Pháp. Bà Cẩn Tín ở nhà cậy nhờ người quen trong trường giới thiệu để nhận đồ nữ công gia chánh về thêu thùa may vá kiếm thêm tiền nuôi các con. Thương cha mẹ vất vả và có lẽ hợp với khí hậu của vùng biển mặn Phan Thiết, cậu bé Phạm Ngọc Thạch chẳng bệnh tật gì và càng lớn càng tỏ ra thông minh, sáng dạ. Chiều nào cậu bé Ngọc Thạch cũng đòi ba dẫn ra biển Thương Chánh tắm biển để rèn luyện sức khỏe. Cũng như anh chị của mình Ngọc Thạch được cha mẹ cho tiếp cận với tiếng Pháp từ rất sớm và giáo dục kỹ về các vấn đề xã hội, bởi vậy khi trở thành học sinh chính thức của Trường Sơ học Pháp Việt Phan Thiết, Phạm Ngọc Thạch luôn là học sinh dẫn đầu tiêu biểu của trường.


Năm 1912, ông nội của Phạm Ngọc Thạch là ông Phạm Ngọc Quát trước đó là quan án sát Khánh Hòa rồi Tuần vũ Hà Tĩnh được triều đình Huế điều chuyển vào làm Tuần vũ Bình Thuận nên gia đình Phạm Ngọc Thạch chuyển về ở cùng ông bà nội ở khu Xóm Tỉnh thuộc Phú Tài - Đại Nẫm.

Năm 1917, Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi lấy bằng lấy Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire) tại Trường Sơ học Pháp Việt Phan Thiết. Khi đó Ngọc Thạch vừa tròn 8 tuổi và đã sống tại Phan Thiết được 7 năm.

Do chương trình giáo dục công lập tại Phan Thiết khi đó chỉ hết bậc sơ học nên cha mẹ và ông nội đã đành gạt nước mắt gởi Phạm Ngọc Thạch và chị gái ra Thanh Hóa học tiếp chương trình tiểu học.

Kỳ tới: Quan tuần vũ Phạm Ngọc Quát và chuyện những ngôi mộ xưa trong nhà tưởng niệm họ Phạm tại Phan Thiết.

Lê Huân

Chú thích ảnh:
1.Giáo học Phạm Ngọc Thọ.
2. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
3. Vua Bảo Đại thăm Trường Tiểu học Pháp Việt.
Gia tộc bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Phan Thiết Xưa Phần 1 Gia tộc bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Phan Thiết Xưa Phần 1
910 1

Bài viết Gia tộc bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Phan Thiết Xưa Phần 1

Chia sẻ bài viết

Cùng Chuyên Mục

Previous
Next Post »