GIỚI THIỆU BÀI 2 TRONG LOẠT BÀI "GIA TỘC BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH VÀ PHAN THIẾT XƯA".
( Bài đăng trên báo Bình Thuận vào thứ sáu hằng tuần )
TUẦN VŨ PHẠM NGỌC QUÁT VÀ NHỮNG NGÔI MỘ CỔ Ở KDC KÊNH BÀU.
Đi tìm khu mộ cổ
Từ những thông tin về thời niên thiếu của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở Phan Thiết, qua ông Sáu Chà một vị trí thức cao niên, người đã sống và làm việc tại Phan Thiết từ thời Pháp thuộc đến nay mách nước, chúng tôi tìm đến khu vực xóm Gò Tranh xưa, nay là khu dân cư Kênh Bàu, phường Xuân An, thành phố Phan Thiết để hỏi thông tin về khu mộ của ông bà nội bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhằm làm rõ thêm về một dòng họ.
Xóm Gò Tranh xưa là vùng đất trù phú ven đô thị Phan Thiết nơi người dân làm ruộng vườn và sinh sống từ rất lâu đời. Sau này do nhu cầu ngày càng phát triển của đô thị nên nhà nước quy hoạch lại, và một khu dân cư mới đã được hình thành nơi đây. Đa phần cư dân chỉ mới về đây sinh sống khoảng mười năm trở lại nên hầu như không ai biết thông tin gì về khu mộ cổ. Không nãn chí, chúng tôi quay trở ra khu nhà cổ Xuân An ở cạnh đó. Sau vài lần hỏi thăm, thì người dân ở đây cho biết ở khu vực này có khu mộ cụ Tuần nhưng không biết có phải là tuần vũ Phạm Ngọc Quát, ông nội của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hay không. Theo hướng người dân chỉ, chúng tôi quay trở ngược lại khu dân cư Kênh Bàu và bất ngờ khi nhìn thấy một khu nhà có biển đề “Nhà tưởng niệm gia tộc họ Phạm” được xây dựng khang trang, to đẹp như một ngôi chùa nằm gọn gàng trong khu dân cư Kênh Bàu.
Khu nhà tưởng niệm gia tộc họ Phạm có diện tích khoảng 500 m2. Gồm 2 phần, nhà tưởng niệm và khu mộ cổ. Qua bà Ba người hằng ngày lo nhang khói cho khu tưởng niệm chúng tôi được biết, khu mộ này có từ rất xa xưa, nằm giữa xung quanh là ruộng vườn. Khi nhà nước quy hoạch khu dân cư đã cho phép con cháu họ Phạm giữ lại khu mộ cổ này. Trong khu mộ có bốn ngôi mộ gồm mộ ông Phạm Ngọc Quát được xây dựng rất đẹp, có mái che nằm ở giữa và ba bà vợ của ông nằm xung quanh. Các bia mộ đều viết bằng chữ Hán và có khắc các câu đối vốn là đặc điểm thường thấy ở những ngôi mộ của những người quyền quý trước đây.
Bên cạnh khu mộ, gia tộc họ Phạm đã xây dựng một ngôi nhà tưởng niệm rất đẹp mang kiến trúc của một ngôi chùa. Bên trong nhà tưởng niệm có thờ Phật và để bài vị thờ các thành viên của gia tộc Phạm Ngọc từ thủy tổ đến các người thân, anh em, con cháu của nhân vật trung tâm là quan Lễ bộ thượng thư Phạm Ngọc Quát. Trong đó có bài vị thờ cha mẹ, anh chị em và di ảnh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở hàng dưới cùng. Điều bất ngờ là cũng từ nhà tưởng niệm này mà chúng tôi mới biết được thêm nhiều nhân vật nổi tiếng ở Bình Thuận xưa là thành viên của gia tộc họ Phạm, sẽ được đề cập ở những số báo tới.
Quan Lễ bộ thượng thư Phạm Ngọc Quát.
Có nhiều tư liệu khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của ông Phạm Ngọc Quát, nhưng chưa có một tư liệu chính sử nào viết về ông. Tuy nhiên, qua tổng hợp tư liệu, chúng tôi được biết ông Phạm Ngọc Quát sinh vào năm Tự Đức thứ 9 ( năm 1856 ). Bản thân ông ít nhiều có liên quan đến phong trào Duy Tân ở nước ta. Tuy không xuất thân từ dòng dõi quý tộc và khoa bảng nhưng ông đã được triều đình Huế bổ nhiệm nhiều nhiều chức vụ quan trọng như án sát Khánh Hòa, tuần vũ Hà Tĩnh, tuần vũ Bình Thuận, tuần vũ Quảng Trị, chức vụ cao nhất và cuối cùng trước khi ông về hưu là Lễ bộ thượng thư của triều đình.
Giai đoạn ông Phạm Ngọc Quát làm tuần vũ Bình Thuận là giai đoạn từ 1912 đến 1915. Đây cũng là giai đoạn mà Bình Thuận có nhiều công trình có dấu ấn lớn như: con đường thuộc địa số 1 ( quốc lộ 1 ) qua Bình Thuận được khai thông. Đường sắt với tuyến nhánh Phan Thiết - Mương Mán đi vào khai thác. Địa giới hành chính của tỉnh Bình Thuận khi đó được Toàn quyền Đông Dương điều chỉnh mở rộng bao gồm cả Đà Lạt, Di Linh và một phần của Ninh Thuận ngày nay. Giai đoạn này ông Phạm Ngọc Quát cũng được bổ nhiệm đồng thời là thành viên Hội đồng phân định ranh giới Nam Kỳ và Trung Kỳ của chính quyền thuộc địa Pháp.
Định cư và mộ phần.
Năm 1912, khi là tuần vũ Bình Thuận, nhận thấy vùng đất này hiền hòa, khí hậu và cuộc sống không khắc nghiệt như những nơi khác, chính quyền thuộc địa đã xác định tập trung phát triển Phan Thiết thành một trong những đô thị quan trọng nhất của Trung Kỳ. Mặt khác con trai ông là giáo học Phạm Ngọc Thọ và gia đình cũng đang sinh sống ổn định tại Phan Thiết nên ông Phạm Ngọc Quát đã quyết định đưa gia đình và một số người bà con thân thiết của mình về Bình Thuận định cư. Sau khi về hưu, từ Huế ông vào Bình Thuận sinh sống với gia đình và mất năm Bảo Đại thứ tư ( năm 1929 ).
Theo tìm hiểu từ một số vị cao niên, chúng tôi được biết phần mộ của ông ban đầu nằm ở trên một khu đất cao ở gần sông Cà Ty thuộc Phú Trinh. Năm 1932, người dân họp chợ tại đây nên khu chợ này được gọi là chợ Gò, còn khu mộ thì được gọi là mộ ông Tuần. Sau đó ( chưa rõ năm nào và lý do gì ) thì phần mộ của ông được chuyển đến khu xóm Cây Chanh ( tức khu dân cư Kênh Bàu ngày nay) và được cải táng trên phần đất của người bạn thân ông.
Ngoài ra, hiện nay ở Phú Trinh còn có ngôi chùa tên gọi là chùa Phổ Minh ( trước đây còn có tên là chùa Xuân Quang ). Chùa này do bà vợ ông Phạm Ngọc Quát tạo lập năm 1957 nên còn gọi là chùa Bà Tuần. Chùa tọa lạc tại thôn Trinh Tường nay là phường Phú Trinh – TP Phan Thiết. Vị trí của chùa xưa kia là đồi cát vắng vẻ, chung quanh Chùa có nhiều gốc me cổ thụ nhưng ngày nay những di tích này không còn nữa, vì nhà cửa đã được xây dựng đến tận hè Chùa. Chùa được cất theo kiểu 3 gian, trước có mặt dựng, trên mặt dựng khi về trụ trì Ni Sư Như Nhơn đã trang trí thêm rồng phượng cẩn kiểu rất đẹp. Chùa Phổ Minh trước đây là nơi lui tới trú ngụ của những vị Hòa Thượng Tôn túc từ miền Trung vào hoằng hóa. Trong chùa hiện còn 3 pho tượng Phật cổ bằng đồng và 2 pho tượng Ngọc Hoàng và Quan Thánh từ xa xưa được lưu giữ đến hôm nay.
Kỳ tiếp:
Bài 2 : Phạm Ngọc Thìn và các công trình kiến trúc
Lê Huân

Chú thích ảnh:
1. Quan Lễ bộ thượng thư Phạm Ngọc Quát.
2. Nhà tưởng niệm họ Phạm ở KDC Kênh Bàu – Phan Thiết.
3. Khu mộ ông Phạm Ngọc Quát và các bà vợ.
4. Khu mộ ông Phạm Ngọc Quát và các bà vợ.
5. Khu mộ ông Phạm Ngọc Quát và các bà vợ.
6. Các bài vị thờ bên trong nhà tưởng niệm.
EmoticonEmoticon